Nguồn: Đầu Tư Chứng Khoán
(ĐTCK) Theo kế hoạch ban đầu, ngày 25/12/2023, hệ thống công nghệ giao dịch KRX sẽ chính thức vận hành, nhưng đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vẫn chưa có thông tin chính thức.
Theo thông tin từ các công ty chứng khoán, hiện việc kiểm thử đang được thực hiện khẩn trương.
Thông báo mới nhất từ HOSE gửi các bên liên quan ngày 8/1/2024 cho biết, HOSE sẽ mở hệ thống để công ty chứng khoán tham gia kiểm thử KRX như sau: Từ ngày 8/1 – 15/1/2024 (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật), dữ liệu kiểm thử là dữ liệu thật cuối ngày 17/11/2023, ngày đầu tiên trên hệ thống là 23/11/2023. Từ ngày 23/1 – 25/1/2024, dữ liệu kiểm thử là dữ liệu thật cuối ngày 17/11/2023. Từ ngày 19/1 – 21/1/2024, kiểm thử phục hồi thảm họa, ngày đầu tiên trên hệ thống là 5/12/2023.
Công ty chứng khoán tự xây dựng kịch bản kiểm thử và thử nghiệm hệ thống như một ngày giao dịch bình thường. Đối với kiểm thử phục hồi thảm họa, công ty chứng khoán chuẩn bị và thực hiện theo thông báo của HOSE.
Quan sát những điều kiện hiện nay, đại diện Công ty tư vấn FIDT kỳ vọng hệ thống sẽ đi vào vận hành trong quý I/2024, phù hợp với kỳ vọng của thị trường về hệ thống. Có hai yếu tố chính KRX mang lại mà FIDT cho là có tác động lớn đến thị trường:
Thứ nhất, giảm thời gian thanh toán, từ đó gia tăng thanh khoản, tính linh hoạt và hấp dẫn của thị trường. Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thanh toán từ T+2,5 với hệ thống hiện tại về T+0, đồng nghĩa với việc cho phép nhà đầu tư thực hiện giao dịch trong ngày, mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trên thị trường cơ sở, giống như trên thị trường phái sinh.
Thứ hai, tạo nền móng để triển khai thêm các sản phẩm mới như vay mượn cổ phiếu và bán khống, hợp đồng quyền chọn; giao dịch thuật toán được lập trình sẵn, chẳng hạn lướt sóng siêu ngắn (Scalping), giao dịch theo cặp (Pair trading) hay giao dịch lưới (grid)…
KRX còn được kỳ vọng có thể là chất xúc tác hỗ trợ tốt cho quá trình nâng hạng thị trường, mở ra rất nhiều cơ hội cho dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam.
Trên thực tế, việc nâng hạng thị trường sẽ mang tính dài hơi hơn, với nhiều điều kiện và tiêu chí cần đạt. Một số yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến quá trình nâng hạng như thanh khoản, quy mô, sự minh bạch, điều kiện tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng thị trường… Đây là những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cho rằng KRX có thể hỗ trợ tốt.
Về mặt lợi ích, nâng hạng sẽ thu hút dòng vốn lớn, ổn định và đa dạng hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, hiện nay, nhiều quỹ đầu tư chứng khoán theo chỉ số (ETF) thường xuyên sử dụng những báo cáo xếp hạng thị trường này để đưa ra quyết định đầu tư. Các quỹ ETF này thường tập trung vào các thị trường mới nổi (EM – Emerging Markets) và sẽ tự động phân bổ một phần nguồn vốn vào các thị trường được nâng hạng, trong khi chỉ dành tối đa 2 – 3% nguồn vốn vào các thị trường cận biên (FM- Frontier Markets).
Có khoảng 844 quỹ trên toàn cầu đang sử dụng MSCI Emerging Markets Index làm chỉ số tham chiếu với tổng tài sản là 614,5 tỷ USD và có khoảng 89,6 tỷ USD tài sản đầu tư vào chỉ số FTSE EM. Các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi cũng thu hút được lượng vốn khổng lồ nhờ kỳ vọng sinh lời cao, tiêu biểu như iShares Core MSCI Emerging Markets ETF với tổng tài sản 70 tỷ USD, Vanguard FTSE Emerging Markets ETF với 71 tỷ USD.
Ước tính từ World Bank cũng cho thấy, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam; trong đó, riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 – 5 tỷ USD. Tác động của nâng hạng thị trường, đa phần các thị trường sau thời điểm nâng hạng chính thức đều có dấu hiệu tăng trưởng tốt.
Theo nghiên cứu từ Học viện CFA, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực.